Bài viết

trang_trai_bo_sua_moc_chau

Những cơ ngơi tiền tỷ trên đất Mộc Châu nhờ chăn nuôi bò sữa

Hơn 61 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) lựa chọn hướng đi khác biệt là mô hình liên kết nông hộ để phát triển. Chiến lược này được xem là điểm tựa để người nông dân thảo nguyên thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình và quê hương, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế, chất lượng thương hiệu sữa Mộc Châu trên thị trường.

Những cơ ngơi tiền tỷ

Tháng 9, tiết trời vào thu, nắng rải mật khắp vùng thảo nguyên Mộc Châu. Mảnh đất trù phú, màu mỡ được phủ xanh bởi những cánh đồng cỏ tươi tốt. So với các địa phương khác của Tây Bắc, Mộc Châu là vùng đất may mắn được thiên nhiên ưu ái cho những lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành chăn nuôi bò sữa.

Trong suốt chiều dài phát triển kinh tế của địa phương, ngành chăn nuôi bò sữa luôn là trụ cột quan trọng. Tính đến tháng 09/2019, Mộc Châu Milk sở hữu 3 trang trại chăn nuôi cùng gần 600 nông hộ, với tổng số lượng bò trong đàn gần 25.500 con, sản lượng sữa bình quân đạt gần 100.000 tấn/năm, trở thành 1 trong 3 địa phương top đầu về ngành chăn nuôi của cả nước và là vùng nguyên liệu sữa tươi hàng đầu miền Bắc.

trang_trai_bo_sua_moc_chau

Nhiều hộ nông dân trên Mộc Châu làm giàu từ nghề chăn nuôi bò sữa

Tại Mộc Châu, hầu hết các hộ chọn nghề chăn nuôi cha truyền con nối, hộ theo nghề ít thâm niên cũng gần 20 năm. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thậm chí biến Mộc Châu thành vùng đất của những triệu phú, đại gia nuôi bò nổi tiếng cả nước, với trên 200 hộ thu nhập từ một tỷ đồng/năm trở lên.

Theo chân cán bộ Mộc Châu Milk, chúng tôi đã có dịp được chiêm ngưỡng cơ ngơi của những đại gia nuôi bò sữa vùng thảo nguyên xanh. Có đến tận nơi mới thấy được trọn vẹn bức tranh của ngành chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu đang phát triển ổn định, bền vững ngay từ chính các hộ dân.

Tại tiểu khu Vườn Đào 1, nằm bên cạnh cánh đồng ngô xanh tốt, trại nuôi bò của gia đình ông Đinh Công Đạo gây không ít bất ngờ, bởi là trang trại của hộ dân nhưng được đầu tư không thua kém các trang trại của doanh nghiệp. 100 con bò sữa được phân ra theo từng khu vực khép kín. Các khu chăn thả, vắt sữa, đến khu xử lý phân đều được xây dựng, bố trí bài bản, đúng quy chuẩn.

trang_trai_bo_sua_moc_chau

Trang trại bò được chú trọng đầu tư đảm bảo cho việc chăn nuôi đạt năng suất tốt nhất

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đạo cho biết, sở hữu và quản lý trang trại có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, do chịu khó đầu tư máy móc, nguyên liệu, sản lượng sữa của gia đình cung cấp cho công ty luôn ổn định và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng. Không dừng lại ở quy mô hiện tại, ông Đạo đang có tham vọng phát triển đàn bò, mở rộng diện tích chăn nuôi và đầu tư thêm máy xử lý chất thải.

Ông Đạo tại trang trại bò 100 con của gia đình

Không có trại nuôi bò quy mô như gia đình ông Đạo, trang trại của hộ gia đình vợ chồng anh Đinh Văn Chỉnh và chị Nguyễn Thị Lệ khiêm tốn hơn, nhưng đối với họ, tài sản được như ngày hôm nay giống như một giấc mơ. Tham gia nuôi bò sữa liên kết với công ty từ năm 2007, xuất phát điểm là một hộ nghèo, nhờ có chính sách hỗ trợ vốn từ Mộc Châu Milk, đến nay trang trại nuôi bò của gia đình đã lên tới 41 con, trung bình mỗi ngày cho 5 – 6 tạ sữa.

Trên cánh đồng cỏ xanh tốt, vừa dẫn bò vào tập dượt cho cuộc thi Hoa hậu Bò sữa sắp tới, anh Đặng Văn Thắm cũng không ngần ngại chia sẻ: “20 năm chăn nuôi bò sữa, gia đình tôi hiện đang sở hữu 53 con, ngày cho 8-9 tạ sữa. Thực tế thị trường sữa đang có nhiều biến động vì cạnh tranh, giá nguyên liệu tăng trong khi yêu cầu sữa cung cấp ngày một đòi hỏi cao, các hộ chăn nuôi bò sữa có giai đoạn lao đao, song với nguồn tiêu thụ ổn định từ Mộc Châu Milk nên chúng tôi vẫn nỗ lực, yên tâm bám nghề”.

Kiên định một chiến lược, tầm nhìn

Để tạo dựng được niềm tin, sự gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa của nông dân Mộc Châu, ngoài điều kiện tự nhiên, chính sách phát triển chăn nuôi của địa phương còn phải kể tới sự đồng hành của Mộc Châu Milk. Không chỉ phục vụ thị trường hàng trăm nghìn tấn sữa tươi mỗi năm, Mộc Châu Milk đã và đang góp phần đảm bảo đời sống ấm no và tạo ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho người dân trên vùng cao nguyên Mộc Châu.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Công Chiến – Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk cho biết, sau 60 năm hoạt động, phát triển, Mộc Châu Milk tự tin lựa chọn mô hình phát triển theo nông hộ. Thực tế, đây là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với công ty, đó chính là con đường phát triển bền vững, tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Đặc biệt, theo ông Chiến, trong việc áp dụng mô hình hộ, Mộc Châu Milk luôn đưa ra chỉ tiêu mỗi hộ chỉ phát triển đàn từ 50-200 con, nhằm đảm bảo đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật, quản lý chất lượng sữa. “Tôi đánh giá mô hình nông hộ là xu hướng tất yếu của nghề chăn nuôi bò sữa. Duy trì tỷ lệ 50% chăn nuôi tại nông hộ và 50% tại trại tập trung cũng chính là mục tiêu chiến lược của ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đặt ra đến năm 2030” – ông nhấn mạnh.

Bên cạnh việc đảm bảo bao tiêu toàn bộ đầu ra sữa tươi cho gần 600 hộ nông dân liên kết, Mộc Châu Milk còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trang trại, nhập khẩu bò giống, đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi TMR hiện đại đầu tiên ở Việt Nam… nhằm đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng cao. Hiện tại, 100% các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa liên kết với Mộc Châu Milk đều đáp ứng các tiêu chí khắt khe về thực hành chăn nuôi của VietGAP. Trong tất cả các khâu chăn nuôi, sản xuất, doanh nghiệp đều đầu tư đồng bộ và chú trọng đến sự gắn kết.

Trước xu thế cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu sữa hiện nay, lãnh đạo Mộc Châu Milk luôn nhấn mạnh, để yêu cầu đáp ứng tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu, chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguồn gốc rõ ràng là yếu tố quyết định sự tồn tại của thương hiệu sữa. Nhận thức được vấn đề này, ông Chiến khẳng định: “Chúng tôi luôn đề ra yêu cầu, đó là các hộ dân phải tự kiểm soát được chất lượng sữa. Tuy nhiên, muốn đảm bảo chất lượng nguồn sữa từ hộ dân, trách nhiệm của công ty là phải hỗ trợ, đầu tư về trang thiết bị kỹ thuật cho dân”.

bo_sua_moc_chau_chan_nuoi

Công ty luôn có đội ngũ kỹ thuật viên đồng hành cùng nông dân

Trong quá trình đồng hành cùng nông dân, để đồng vốn của người dân được bảo toàn và phát huy tối đa hiệu quả, Mộc Châu Milk còn thành lập quỹ bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa từ năm 2004. Thông qua các nguồn quỹ này, khi nông dân ký hợp đồng với Mộc Châu Milk, họ được đảm bảo tốt nhất về quyền lợi, từ đó công việc được ổn định, yên tâm sản xuất.

Với tầm nhìn và hướng đi đúng đắn, Mộc Châu Milk luôn không ngừng đổi mới, nỗ lực vươn lên khẳng định vị thế và uy tín, trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Việt Nam. Đến nay, hệ thống phân phối trải dài từ Bắc vào Nam của Mộc Châu Milk đã và đang trao tận tay người tiêu dùng những sản phẩm sữa tươi thuần khiết mát lành, giàu dinh dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thể chất và trí tuệ Việt Nam.

(theo 24h)

(Nguồn: https://www.24h.com.vn/thi-truong-tieu-dung/nhung-co-ngoi-tien-ty-tren-dat-moc-chau-nho-chan-nuoi-bo-sua-c52a1089633.html)

Mộc Châu Milk giữ lửa nghề nuôi bò sữa cha truyền con nối cho nông dân

Tiên phong lựa chọn mô hình nông hộ, liên kết chặt chẽ doanh nghiệp với nông dân chính là bí quyết quan trọng tạo nên sự thành công của “chuyên gia bò sữa” Mộc Châu Milk. Sau 61 năm thành lập và phát triển, Mộc Châu Milk đã giúp nhiều nông hộ từ hai bàn tay trắng trở thành những tỷ phú chăn nuôi trên cao nguyên.

Những quyết định lịch sử

Với vị trí cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc, Mộc Châu – cao nguyên xanh mướt – là nơi được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ. Đây là một trong những vùng đất hiếm hoi phù hợp cho việc phát triển đàn bò sữa tại Việt Nam. Nông trường quân đội Mộc Châu được thành lập trên chính mảnh đất ấy, dần phát triển nghề chăn nuôi bò sữa thành nghề cha truyền con nối tại đây.

Rất ít người biết rằng, trong quá khứ, nghề chăn nuôi bò sữa trên Mộc Châu từng đối mặt với nguy cơ mai một. Trong thời kỳ khó khăn, nông trường nuôi bò gặp khó khăn, phải đổ sữa vì không có người mua, nông dân thiếu động lực làm giàu.

Trước bài toán giữ nghề, Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững, gắn bó chặt chẽ với người nông dân. Năm 1988, doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi từ chăn nuôi tập thể sang mô hình khoán hộ chăn nuôi, chia bò cho dân.

“Nói về thâm niên nuôi bò sữa, không nơi đâu có kinh nghiệm lâu năm như nông dân Mộc Châu. Tôi hiểu rằng, để tạo động lực sản xuất, người chăn nuôi cũng cần có sở hữu của riêng họ. Chúng tôi quyết định đổi hướng, chia nhỏ đàn bò cho các hộ dân”, ông Trần Công Chiến – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Mộc Châu Milk, kể.

 Mộc Châu Milk lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với mô hình liên kết 4 nhà bền chặt

Cùng với chính sách khoán hộ, năm 2004, doanh nghiệp tiên phong mở Quỹ bảo hiểm vật nuôi và Quỹ bảo hiểm giá sữa cho 100% hộ nuôi bò sữa. Theo đó, cứ một con bò sữa nông dân đóng 600.000 đồng, khi bò chết hoặc thải loại nông dân sẽ nhận khoản tiền hỗ trợ 4 – 5 triệu đồng để mua bê con. Với quỹ bảo hiểm giá sữa, công ty sẽ hỗ trợ người nông dân ngay khi có biến động lớn về giá trên thị trường.

Nhờ những chính sách bảo đảm hợp lòng dân, mô hình mới của Mộc Châu Milk thu hút gần 600 hộ chăn nuôi tham gia, với tổng số lượng đàn bò lên đến 25.000 con. Trong đó, khoảng 200 hộ chăn nuôi bò sữa có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Chăn nuôi bò sữa đến nay đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực trong phát triển nông nghiệp tại địa phương. Mục tiêu chiến lược dài hạn của Mộc Châu Milk là tăng sản lượng sữa đồng thời phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đến năm 2030 tổng đàn bò đạt 70.000 – 100.000 con.

Xắn tay làm cùng nông dân

Cùng với bước chuyển đổi lịch sử, Mộc Châu Milk cũng triển khai đồng thời mô hình nông hộ bền vững với liên kết 4 nhà: Nhà nước – Nhà doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà khoa học nhằm mở rộng đầu ra cho sữa.

Trong khi Nhà nước cho ưu đãi về chính sách và tích cực khuyến nông, Mộc Châu Milk chủ trương xắn tay làm cùng nông dân, cải tạo đàn bò giống, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, mời các nhà khoa học nghiên cứu và áp dụng các quy trình chăn nuôi, chăm sóc bò sữa hiệu quả nhất cho từng nông hộ.

Để nâng cao năng suất và chất lượng sữa loại 1 (hàm lượng protein từ 3%, mỡ sữa từ 3,4% trở lên…), 600 nông hộ đều sử dụng bò giống cao sản do Mộc Châu Milk nhập khẩu từ Mỹ, Australia, New Zealand, tuân thủ yêu cầu chuồng trại và quy trình chăn nuôi theo quy chuẩn VietGAP, kiểm soát dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng… dưới sự hỗ trợ chặt chẽ của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cử các chuyên gia đầu ngành xuống hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo 73 tiêu chí VietGAP. Các chuồng trại được khử mùi, thiết kế rãnh thoát chất thải, xử lý chất thải tự động bằng máy móc, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi hộ đều có sổ ghi chép lượng thức ăn cho bò, theo dõi chỉ số sức khỏe và chất lượng sữa hàng ngày, phả hệ nhân giống. Hiện nay, 600 nông hộ liên kết với Mộc Châu Milk đều được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và áp dụng cơ giới hóa 100%.

Mộc Châu Milk phát động cuộc thi Hoa hậu Bò sữa, nêu gương nông dân giỏi trong 15 năm qua

Với những nỗ lực và cải tiến liên tục cả về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn dinh dưỡng, đến nay sản lượng trung bình đàn bò sữa bò Mộc Châu đã đạt tới 25,22 lít sữa/bò/ngày, với nhóm bò cao sản thậm chí đạt tới trên 40 lít/con/ngày. 

Để đảm bảo nguồn sữa nguyên liệu giữ trọn sự tươi ngon, doanh nghiệp cũng đặt 15 điểm thu mua sữa tươi cách các nông hộ không quá 2 km. Sữa tươi mà nông dân vắt ra trong vòng 30 phút sẽ được đem đến các điểm thu mua và chứa trong các bình chuyên dụng 4 độ C, trước khi đem đến nhà máy chế biến hiện đại công suất 100.000 hộp/giờ của Tetra Pak (Thụy Điển).

Mô hình nông hộ bền vững đã góp phần “thay da đổi thịt” cho Mộc Châu những năm gần đây. Nhiều gia đình giàu lên nhờ nuôi bò, nhà tầng mọc san sát. Nhiều gia đình có xe hơi phục vụ đi lại và vận chuyển sữa. Nói như ông Trần Công Chiến, cả 600 nông hộ nuôi bò sữa cho Mộc Châu Milk nay đều là những triệu phú, tỷ phú vùng cao. Không những thế, những hộ nông dân này còn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động khác trong vùng với việc liên kết tạo vùng nguyên liệu để phát triển đàn bò.

(Theo Kinh tế & Tiêu dùng)

(Nguồn: https://vietnambiz.vn/moc-chau-milk-giu-lua-nghe-nuoi-bo-sua-cha-truyen-con-noi-cho-nong-dan-20190406003856729.htm)